Thông tin

Hội Ngộ Liên Trường và Đồng Hương Tây Ninh

KIỀU MỸ DUYÊN

“Ngày mai, thứ Bảy ngày 16/7/2022, có buổi Hội Ngộ Liên trường và Đồng Hương Tây Ninh ở Thánh Thất Châu Đạo California tại 14072 Chestnut Street, Westminster, Califorinia. Mời chị đến nhé!”

Đó là lời mời của anh Phạm Thái, một đồng hương Tây Ninh và cũng là thành viên Hội Văn Thơ Lạc Việt ở San Jose, khi đến thăm chúng tôi.

Tôi vẫn nhớ trước dịch cúm Covid-19, Nhà văn Việt Hải khi thực hiện Nguyệt san Tây Ninh để phát hành trong ngày đại hội có mời tôi viết bài về Tây Ninh. Thật khó mà chối từ  vì anh rất nhiệt thành. Vả lại, trong cuộc sống của gia đình chúng tôi có liên hệ ít nhiều với người Tây Ninh.  Cậu tôi lấy vợ người Tây Ninh, nên khi xưa lúc còn nhỏ, tôi đã được đến nơi ấy nhiều lần.

Tây Ninh với nhiều điều để nhớ, nhiều người để thương. Người dân nơi đây với lòng quảng đại, chân chất, nhiều tình cảm và rất hiếu khách.

Bửu tháp Đức Hộ pháp (nơi đặt kim thân của Hộ pháp Phạm Công Tắc sau khi được đưa về từ Campuchia năm 2006) trong khuôn viên Tòa Thánh Tây Ninh.
 

Tỉnh Tây Ninh nằm sát biên giới Cambodia, nổi tiếng có núi Bà Đen và Thánh thất Cao Đài. Hàng năm, có hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới đến thăm viếng. Trước năm 1975, mọi người dân mỗi khi đi ngang qua tòa thánh đều ngả mũ kính cẩn chào. Tôi còn nhớ, trước tòa thánh là một rừng cây cổ thụ, bóng mát phủ quanh năm. Giáo chủ Đạo Cao Đài là ông Phạm Công Tắc (18901959) với rất nhiều giai thoại. Ngài tự là Ái Dân, biệt hiệu Tây Sơn Đạo, là một trong những lãnh đạo tinh thần và người dẫn đầu trong việc khởi xướng xây dựng, hình thành, phát triển và kiện toàn hệ thống tôn giáo của Đại Đạo. Ông cũng là một nhân sĩ trí thức dấn thân nổi tiếng ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Việc xây dựng được tiến hành liên tục trong hơn 4 năm và mãi đến ngày 1 tháng 2 năm 1955, Đại lễ Khánh thành Tòa Thánh và các cơ sở Đạo trong vùng Thánh địa mới được tổ chức.        

Nhiều du khách thập phương đến viếng Điện Bà.

Núi Bà Đen với truyền thuyết về người con gái chết oan, nàng trở nên linh thiêng đã cứu nhân độ thế, mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho nhiều người.

Tây Ninh là miền đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra những người con tài giỏi và có sĩ khí; điển hình như giáo sư Nguyễn Ngọc An, sau này ông đã là tổng trưởng thông tin chiêu hồi.  Được biết, dù có nhiều phương tiện di tản nhưng ông đã ở lại và về Tây Ninh để chiến đấu chống cộng sản. Sau đó, ông sang Mỹ theo diện H.O và định cư ở Washington D.C. Khi còn sinh thời tại Hoa kỳ, giáo sư An vẫn thường căn dặn và nhắc nhở học trò tiếp tục chiến đấu để quê hương thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Giáo sư Nguyễn Ngọc An đã từng dạy học dạy học tại trung học Trảng Bàng, và cũng là hiệu trưởng trường trung học Tân Dân ở Hóc Môn, Gia Định. Ông đã có lần bị ám sát hụt và dùng võ tự vệ khuất phục kẻ ám sát. Con trai của giáo sư là bác sĩ Hoàng đã tình nguyện ra mặt trận chiến đấu thuộc binh chủng thiết giáp.  Sau này khi định cư ở Pháp, ông đã học lại và trở thành bác sĩ tim mạch. Oái oăm thay, ông lại qua đời vì bệnh tim.

Khi tôi vừa đến địa điểm tổ chức, rất đông đồng hương đã có mặt. Một số quan khách từ rất xa như Canada, Texas, Kansas… và nhiều thành phố khác ở khắp nơi trên Hoa Kỳ như Cô Ngô Kim Thanh, cựu học sinh Trung học Văn Thanh đến từ Florida, cô Tô Thị Tư, cựu học sinh Lê văn Trung đến từ Kansas, ông Nguyễn Phiên, cựu học sinh Trung học Công Lập Tây Ninh đến từ Canada… và những khuôn mặt quen thuộc tại Nam California như ông Phạm Ngọc Lân, Hoa Thế Nhân, Ngô Thành Thảo, bà Lê Kim Thao, Kamila Hằng Phương, bà quả phụ phu nhân bác sĩ Stephen Đỗ … cùng với sự hiện diện của một số nhân vật trong giới truyền thông báo chí như nhà văn Phạm Quốc Bảo, Đại diện Nhà báo Người Việt, Ký giả Lâm Hoài Thạch…

Bà Lê Kim Thao, trưởng ban tổ chức phát biểu trong buổi hội ngộ.
Ông Phạm Ngọc Lân, Hội Trưởng Tây Ninh Đồng Hương Hội, phát biểu trong buổi hội ngộ

Mở đầu chương trình đại hội là phần nghi lễ chào quốc kỳ và tưởng niệm. Sân khấu rực rỡ, trang trọng với những tà áo dài trong bản quốc ca Việt Nam và Hoa Kỳ. Bà Lê Kim Thao, trưởng ban tổ chức và ông Phạm Ngọc Lân, Hội trưởng Hội Đồng Hương Tây Ninh ngỏ lời chào mừng cảm tạ quý khách và đồng hương. Tiếp theo, ông Ngô Thành Thảo giới thiệu quan khách tham dự. Bà Trương Vân Lang, Hội trưởng Hội Đồng Hương Tây Ninh Bắc California đã lên sân khấu phát biểu cảm tưởng và cho biết rất vui vì trong hai năm qua, đây là lần đầu tiên đồng hương Tây Ninh có cơ hội họp mặt. Thật cảm động khi một số “dâu, rể” Tây Ninh cũng lên chia sẻ tâm tình. Ông Lưu Hữu Hành cũng không quên nhắc đến những đồng hương đã ra đi vĩnh viễn và xin mọi người dành một phút tưởng niệm, cầu nguyện cho bằng hữu.

Nhà văn Phạm Quốc Bảo (Rể Tây Ninh), Phạm Ngọc Lân (Hội trưởng Hội ĐHTN)
Phạm Ngọc Lân, Nguyễn, Lý Sáng (Cựu Hội trưởng Hội ĐHTN)
Cựu gióa sư Nguyễn Phiên

Đặc biệt trong đại hội, Ông Vũ Đình Thọ, một cựu sĩ quan cựu tù nhân chính trị đã kể lại một ân tình với người dân Tây Ninh mà ông không bao giờ quên, là có lần một chị bán hàng rong khi gặp những người cải tạo khi đi làm rẫy, đã tặng luôn một gánh khoai cho các anh em tù nhân, dù chị không dư dả gì. Vì thế, họ đã luôn đến tham dự những buổi hội ngộ của Đồng Hương Tây Ninh để nói lên tấm lòng tri ân và khâm phục nghĩa khí, tinh thần bất khuất và lòng hào sảng của người dân Tây Ninh.

Tôi được mời lên kể những kỷ niệm về Tây Ninh. Tôi đã từng viết nhiều bài về Tây Ninh và núi Bà Đen linh thiêng. Được biết, chúa Nguyễn Ánh trước khi chạy sang Cambodia đã từng đến núi Bà Đen cầu nguyện. Theo truyền thuyết, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con ông Lý Thiện – vị quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn và bà Đặng Ngọc Phụng – người gốc Bình Định. Nàng rất xinh đẹp, con nhà gia giáo nên được nhiều người để ý. Trong làng có chàng trai tên Lê Sỹ Triệt mồ côi cả cha lẫn mẹ, may được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi cũng tỏ lòng cảm mến nàng. Một vị quan nọ muốn nàng về làm thiếp, đã sai một thầy võ tên Châu Thiện bắt cóc khi nàng trên đường lên núi cúng Phật. Giữa lúc nguy khốn, Lê Sỹ Triệt dũng cảm xông ra bảo vệ nàng. Cảm động trước tầm lòng nghĩa hiệp của chàng, Thiên Hương đã về thuật lại với cha mẹ và được cha mẹ đồng ý gả cho Lê Sỹ Triệt.

Tuy nhiên, hai người chưa kịp thành hôn thì Lê Sỹ Triệt phải lên đường tòng quân. Thiên Hương ở nhà hứa giữ trọn danh tiết. Ngày nọ, nàng lại lên núi lễ Phật và thăm dưỡng phụ của chồng là nhà sư Trí Tân, thì bị bọn Châu Thiện vây bắt, toan làm nhục. Thiên Hương cùng đường và nhảy xuống khe núi tử tiết.

 Anh Bi, con người cậu, đã từng đưa tôi viếng núi Bà Đen. Đường lên núi rất khó. Từng đoàn người đi bộ, đi xe đạp, hoặc xe gắn máy lên tận đỉnh núi để cầu nguyện vì nơi này rất linh thiêng. Dường như ai cầu mong gì cũng được như ý.  Hiện nay, đã có cáp treo đưa du khách lên núi nhanh hơn và có thể quan sát toàn diện cảnh đẹp của núi Bà Đen.

Đi cáp treo lên núi Bà Đen.

Buổi hội ngộ Đồng hương Tây Ninh diễn ra thật vui! Các món ăn chay thịnh soạn, rất ngon và trình bày đẹp mắt. Dường như mọi người chỉ muốn hàn huyên tâm sự vì đã lâu không gặp nhau. Ông Nguyễn Phiên, cựu giáo sư, cùng gia đình đến từ Canada, gặp lại người bạn cùng lớp Phạm Thái sau hơn 50 năm xa cách. Họ huyên thuyên ôn lại những kỷ niệm xưa… Khung trời học sinh như đang bừng sáng trên khuôn mặt của hai người.

Chương trình văn nghệ thật đặc sắc với các ca sĩ “cây nhà lá vườn” trong những bản nhạc đầy kỷ niệm. Mở đầu chương trình, bản hợp ca “Dòng An Giang” của Anh Việt Thu đã làm mọi người bùi ngùi nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh ấy. Trong chương trình văn nghệ, có sự góp mặt đặc biệt của Mai Nương, phu nhân cố nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, người nhạc sĩ được mọi người biết đến qua những nhạc phẩm thời chiến chinh và hai nhạc phẩm nổi tiếng được mọi người yêu thích phải kể đến là “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” và “Qua Cơn Mê”.

Ban tổ chức cũng cho biết trước đây, khi chưa có dịch cúm Covid-19, mỗi năm đồng hương Tây Ninh họp mặt 2 lần hội ngộ vào dịp Xuân và Hè, nhưng năm nay chỉ tổ chức được một lần ở thành phố Westminster, Nam California.

Ngô Thiện Đức

Bà Lê Kim Thao, trưởng ban tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo, từ việc đón tiếp khách tham dự cho đến việc chuẩn bị các món ăn… Hai anh em Ngô Thành Thảo và Ngô Thiện Đức đã được mọi người tuyên dương vì đã luôn luôn tích cực hỗ trợ Tây Ninh Đồng Hương Hội.

Hình chụp kỷ niệm các quan khách tham dự
Kiều Mỹ Duyên dự Hội Ngộ Liên Trường Và Đồng Hương Tây Ninh cùng anh Phạm Thái, đến từ San Jose (áo trắng, ngồi bên phải) và Tina Phạm, chị gái của anh Phạm Thái.

Buổi họp mặt chấm dứt khoảng 2 giờ chiều. Mọi người ra về trong niềm luyến tiếc và mong ước được gặp lại nhau trong lần hội ngộ kỳ tới.

Orange County, 18/7/2022

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Comments Off on Hội Ngộ Liên Trường và Đồng Hương Tây Ninh